Tiêu chuẩn Châu Âu EN 40-2:2004


TIÊU CHUẨN CỘT ĐÈN CHIẾU SÁNG BS EN 40-2:2004


EUROPEAN STANDARD EN 40-2

Cột đèn chiếu sáng – Phần 2: Yêu cầu chung và kích thước

MỤC LỤC

Lời nói đầu

1 Phạm vi

2 Tham khảo tiêu chuẩn

3 Thuật ngữ và định nghĩa

4 Các kích thước chính

4.1 Cột đèn không có cần đèn

4.2 Cột đèn gắn kèm cần đèn

4.3 Cửa cột và lỗ luồn cáp

4.3.1 Cửa cột

4.3.2 Lỗ luồn cáp

4.4 Khoang cửa cột và ống luồn cáp

4.4.1 Kích thước khoang cửa cột

4.4.2 Tấm nắp cửa cột

4.4.3 Giá gắn thiết bị điện

4.4.4 Ống luồn cáp điện

4.4.5 Cấp bảo vệ IP và IK

4.4.6 Đầu đấu nối tiếp địa

4.5 Độ sâu chôn đất và tấm đế chống lún

4.5.1 Độ sâu chôn đất

4.5.2 Tấm đế chống lún

4.6 Tấm bích đế cột

4.7 Kích thước khớp lắp đèn

4.7.1 Tổng quát

4.7.2 Khớp lắp đèn của cột đèn không có cần đèn

4.7.3 Khớp lắp đèn của cột đèn gắn kèm cần đèn

5 Dung sai

5.1 Độ thẳng thân cột

5.2 Dung sai chiều dài cột đèn không có cần đèn

5.3 Dung sai chiều dài cột đèn gắn kèm cần đèn

5.4 Dung sai độ vươn cần đèn

5.5 Dung sai góc nghiêng cần đèn

5.6 Dung sai cửa cột và lỗ luồn cáp

5.7 Dung sai mặt cắt ngang thân cột

5.7.1 Mặt cắt ngang thân cột đèn bằng thép

5.7.2 Mặt cắt ngang thân cột đèn bằng bê tông

5.8 Dung sai khớp lắp đèn

5.9 Độ xoắn thân cột

5.9.1 Độ xoắn của kiểu cột đèn chôn trực tiếp

5.9.2 Độ xoắn của kiểu cột đèn có tấm bích đế cột

5.10 Dung sai chiều dày

5.11 Dung sai độ thẳng đứng

Phụ lục A (tham khảo) An toàn thụ động

Tài liệu tham khảo


Lời nói đầu

Tiêu chuẩn này (EN 40-2:2004) đã được chuẩn bị bởi Ủy ban Kỹ thuật CEN/TC 50 "Cột đèn chiếu sáng và khớp lắp đèn", do viện tiêu chuẩn quốc gia Anh (BSI) chủ trì.

Tiêu chuẩn châu Âu này sẽ được công nhận là tiêu chuẩn quốc gia thông qua quyết định sẽ được ban hành vào cuối tháng 4 năm 2005. Các tiêu chuẩn quốc gia có xung đột với tiêu chuẩn này cũng sẽ bị thu hồi muộn nhất là cuối tháng 4 năm 2005.

Tiêu chuẩn này thay thế cho tiêu chuẩn EN 40-2:1976.

Tiêu chuẩn Châu Âu này được chuẩn bị bởi Ban Tiêu chuẩn Châu Âu (CEN) được sự ủy nhiệm từ Ủy ban Châu Âu và Hiệp hội thương mại tự do Châu Âu.

Phần này đưa ra các yêu cần thiết cho các nhà tư vấn thiết kế và các nhà sản xuất cột đèn chiếu sáng. Hầu hết cột đèn chiếu sáng là được làm bằng thép, nhôm hoặc bê tông, mặt cắt ngang thân cột đèn có hình dạng phổ biến là ống tròn có bậc, ống tròn, ống bát giác hoặc ống đa giác. Cột đèn chiếu sáng có thể được thiết kế theo kiểu lắp đèn trực tiếp trên đỉnh cột hoặc được thiết kế để lắp với cần đèn và được sản xuất theo kích thước và dung sai tiêu chuẩn nhất định. Phần này của tiêu chuẩn EN 40 là Phần 2 liên quan đến các thông số kỹ thuật của cột đèn chiếu sáng. Sau khi hoàn thiện, tiêu chuẩn cột đèn chiếu sáng EN 40 sẽ bao gồm các Phần như sau:

Phần 1: Định nghĩa và Thuật ngữ

Phần 2: Kích thước và dung sai

Phần 3: Thiết kế và Xác minh thiết kế

     3-1 Đặc điểm tải trọng thiết kế

     3-2 Xác minh thiết kế bằng thử nghiệm

     3-3 Xác minh thiết kế bằng tính toán

Phần 5: Yêu cầu đối với cột đèn chiếu sáng làm bằng thép

Phần 6: Yêu cầu đối với cột đèn chiếu sáng làm bằng nhôm

Phần 7: Yêu cầu đối với cột đèn chiếu sáng làm bằng vật liệu composite cốt sợi

Theo quy định nội bộ của CEN/CENELEC, các tổ chức tiêu chuẩn quốc gia của các nước sau phải thực hiện Tiêu chuẩn Châu Âu này: Áo, Bỉ, Síp, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungry, Iceland, Ireland, Ý, Latvia, Litva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh.

1 Phạm vi

Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu và kích thước đối với các loại cột đèn chiếu sáng, cần đèn, cửa cột, đấu cáp và đầu đấu tiếp địa. Nó được áp dụng cho các loại cột đèn chiếu sáng có độ cao H không vượt quá 20 m đối với cột đèn không có cần đèn, và có độ cao cột H không vượt quá 18 mét đối với cột đèn gắn kèm cần đèn.

Tiêu chuẩn này không hạn chế kiểu dáng và hình dạng của cột đèn hay cần đèn. Mặt cắt ngang thân cột của các loại cột đèn chiếu sáng thường được phổ biến bởi các hình ống tròn có bậc, ống tròn, ống bát giác hoặc ống đa giác. Cột đèn chiếu sáng cũng có thể được sản xuất từ các vật liệu khác với những loại vật liệu đã nêu trong lời nói đầu của tiêu chuẩn này (ví dụ như gỗ, nhựa, gang) hoặc với những hình dạng khác (ví dụ như kiểu cột thanh giằng hay kiểu cột tròn giật cấp nhiều bậc).

Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu liên quan cần thiết của cột đèn chiếu sáng về khả năng chống lại tải trọng ngang (tải trọng gió) và chống lại tải trọng dưới tác động của phương tiện giao thông (an toàn thụ động) nhằm đáp ứng được Yêu cầu Cơ bản số 4 về An toàn khi sử dụng, được đo theo các phương pháp kiểm tra tương ứng có nêu trong tiêu chuẩn này hoặc có trong các tài liệu riêng biệt.

2 Tham khảo tiêu chuẩn

Các tài liệu viện dẫn sau đây là không thiếu cho việc áp dụng tài liệu này. Đối với các tài liệu viện dẫn có ngày cụ thể thì áp dụng đúng phiên bản viện dẫn của tài liệu đó. Đối với những tài liệu viện dẫn không ghi ngày tháng cụ thể thì ấn bản mới nhất của tài liệu đó (bao gồm mọi sửa đổi) sẽ được áp dụng.

EN 40-1:1991, Lighting columns - Part 1: Definitions and terms

EN 755-8:1998, Aluminium and aluminium alloys - Extruded rod/bar, tube and profiles - Part 8: Porthole tubes, tolerances on dimensions and form

EN 10051, Continuously hot-rolled uncoated plate, sheet and strip of non-alloy and alloy steels - Tolerances on dimensions and shape

EN 10210-2:1997, Hot finished structural hollow sections of non-alloy and fine grain structural steels - Part 2: Tolerances, dimensions and sectional properties

EN 10219-2:1997, Cold formed welded structural hollow sections of non-alloy and fine grain steels - Part 2: Tolerances, dimensions and sectional properties

EN 12767, Passive safety of support structures for road equipment methods - Requirements and test methods

EN 50102, Degrees of protection provided by enclosures for electrical equipment against external mechanical impacts (IK code)

EN 60529, Degrees of protection provided by enclosures (IP code) (IEC 60529:1989)

EN ISO 7091, Plain washers - Normal series-Product grade C (ISO 7091:2000)

3 Thuật ngữ và định nghĩa

Tất cả các thuật ngữ và định nghĩa đã được đưa ra trong tiêu chuẩn EN 40-1:1991 là được áp dụng cho tiêu chuẩn này.

4 Các kích thước chính

4.1 Cột đèn không có cần đèn

Chiều cao cột đèn chiếu sáng H (tính bằng mm) là chiều cao từ mặt đất cho đến mặt bích khớp lắp đèn như trong Hình 1.

Giá trị của H nên được chọn từ Bảng 1.

Chiều cao cột đèn

Hình 1 - Độ cao danh nghĩa (hình dạng của cột không được chỉ định trong tài liệu này)

Bảng 1 - Chiều cao danh nghĩa của cột đèn không có cần đèn
H (m)
3
4
5
6
7
8
9
10
12
14
15
16
18
20

4.2 Cột đèn gắn kèm cần đèn

4.2.1 Chiều cao cột đèn chiếu sáng H (tính bằng m) là chiều cao từ mặt đất cho đến vị trí khớp lắp đèn của cần đèn như trong Hình 2.

Giá trị của H nên được chọn từ Bảng 2.

4.2.2 Độ vươn cần đèn W (tính bằng m) là khoảng cách theo phương nằm ngang tính từ đường tâm thân cột đèn cho tới vị trí khớp lắp đèn của cần đèn như trong Hình 2.

Giá trị của W nên được chọn từ Bảng 3.

LƯU Ý Độ vươn cần đèn W nên chọn nhỏ hơn hoặc bằng H/4.

4.2.3 Góc nghiêng cần đèn α (tính bằng độ) là góc α được vẽ như trong Hình 2. Giá trị của α nên được chọn từ Bảng 4.

Chiều cao cột đèn

Hình 2 – Chiều cao danh nghĩa, độ vươn cần đèn, góc nghiêng cần đèn (hình dạng của cột và cần đèn không được quy định trong tiêu chuẩn này)

Bảng 2 - Chiều cao danh nghĩa cột đèn kiểu lắp với cần đèn
H (m)
5
6
7
8
9
10
12
14
15
16
18
Bảng 3 - Độ vươn cần đèn
W (m)
0,3
0,5
0,75
1,0
1,25
1,5
2,0
2,25
3,0
3,5
4,5
16
Bảng 4 - Góc nghiêng cần đèn
α (độ)
3
5
10
15

4.3 Cửa cột và lỗ luồn cáp

4.3.1 Cửa cột

Vị trí cửa cột đèn chiếu sáng như trong Hình 3. Khoảng cách từ mặt đất tới mép dưới của cửa cột (kích thước c) không được nhỏ hơn 300 mm. Không có quy định tối đa về khoảng cách này.

Khoảng cách từ mặt đất tới mép dưới cửa cột nên chọn xấp xỉ 600 mm.

Kích thước cửa cột chiều dài x chiều rộng (a x b) được mô tả như trong Hình 3.

Kích thước cửa cột điển hình được thể hiện trong Bảng 5.

Để đảm bảo an toàn, vị trí cửa cột đèn chiếu sáng phải được đặt vuông góc với hướng giao thông. Hình 2 cho thấy vị trí dành cho đường đi ở bên tay phải.

Cửa cột đèn chiếu sáng phải thuận tiện cho việc thao tác sử dụng. Yêu cầu không có các vật cản, không có các cạnh sắc hay gờ nhọn có thể gây chấn thương.

Đối với cột đèn chiếu sáng bằng kim loại thì bán kính (N) tại bốn góc cắt của cửa cột tối thiểu phải là 20 mm hoặc bằng một nửa chiều rộng cửa cột (kiểu bậu cửa cột hình bán nguyệt).

4.3.2 Lỗ luồn cáp

Vị trí của lỗ luồn cáp (nếu có) phải như trong Hình 3.

Kích thước của lỗ luồn cáp là x và y nên chọn theo Bảng 6.

Cửa cột và lỗ luồn cáp

Hình 3 – Cửa cột và lỗ luồn cáp

Bảng 5 - Kích thước cửa cột
a (mm) b (mm)
132 38
186 45
200 75
300 85
400 60
400 85
400 90
400 100
500 100
500 120
600 115
600 130
680* 95*
680* 130*
900* 130*
(*) Chỉ áp dụng cho cột bê tông
Bảng 6 - Kích thước lỗ luồn cáp
x (mm) y (mm)
50 150
60 150
70 150

4.4 Khoang cửa cột và máng luồn cáp

4.4.1 Kích thước khoang cửa cột

Cần phải nêu rõ các kích thước chiều cao, độ rộng và chiều sâu của khoang cửa cột (kích thước của khoang trống khi chưa lắp thiết bị điện).

4.4.2 Nắp cửa cột đèn chiếu sáng

Tấm nắp cửa cột đèn chiếu sáng được làm từ vật liệu được chỉ định trong phần liên quan của tiêu chuẩn EN 40 hoặc từ các vật liệu khác mà các yêu cầu sẽ được chỉ định. Đối với các cột đèn chiếu sáng bằng kim loại thì mức độ bảo vệ chống ăn mòn của cột đèn và của tấm nắp cửa cột phải tương đương như nhau. Đối với cột đèn bằng bê tông thì mức độ bảo vệ chống ăn mòn của tấm nắp cửa cột của nó cũng phải tương đương như tấm nắp cửa cột của cột đèn bằng kim loại.

Tấm nắp cửa cột đèn chiếu sáng phải được thiết kế để khóa lắp chặt với thân cột nhằm chống xâm nhập trái phép.

LƯU Ý Đối với cấp bảo vệ cửa cột, xem mục 4.4.5.

4.4.3 Lắp đặt thiết bị điện trong khoang cửa cột

Khoang cửa cột đèn chiếu sáng phải được thiết kế có các chi tiết giá đỡ chờ sẵn dùng để lắp đặt các thiết bị điện. Nếu các chi tiết giá đỡ đó bằng kim loại thì nó phải có cùng mức độ bảo vệ chống ăn mòn như thân cột và nắp cửa. Nếu giá đỡ đó bằng vật liệu phi kim loại thì yêu cầu phải là loại vật liệu không hút ẩm (ví dụ như tấm bảng điện bằng phíp nhựa bakelite).

4.4.4 Ống luồn cáp điện

Ống luồn cáp dùng để lắp cáp điện từ khoang cửa cột tới bộ đèn chiếu sáng phải có đường kính không nhỏ hơn 18 mm.

Ống luồn cáp dùng để lắp cáp nguồn đi qua các lỗ luồn cáp phải có đường kính không nhỏ hơn 50 mm.

Tất các các ống luồn cáp phải trơn nhẵn đảm bảo dễ luồn cáp điện. Yêu cầu không có chướng ngại vật, không có cạnh sắc hoặc gờ nhọn có thể làm ảnh hướng đến cáp điện.

4.4.5 Bảo vệ chống lọt bụi nước và bảo vệ vỏ ngoài

Cấp bảo vệ chống lọt bụi nước của các bộ phận của cột đèn chiếu sáng tính từ mặt đất trở lên bao gồm cả cửa cột phải được tuân thủ theo tiêu chuẩn EN 60529.

a) Tất cả các cửa cột bất kể chiều cao từ mặt đất tới mép dưới của nó thì phải đạt được cấp bảo vệ IP 3X.

b) Cửa cột có chiều cao từ mặt đất tới mép dưới của nó tới 2,5 mét thì phải đạt được cấp bảo vệ IP 3X.

c) Cửa cột có chiều cao từ mặt đất tới mép dưới của nó trên 2,5 mét thì phải đạt được cấp bảo vệ IP 2X.

Cấp bảo vệ vỏ ngoài của tấm nắp cửa cột có thể được kiểm tra khi lắp cùng với thân cột hoặc kiểm tra như là một chi tiết rời của cột đèn. Cấp bảo vệ vỏ ngoài của tấm nắp cửa cột phải đạt IK08 như được chỉ định trong EN 50102.

Thiết bị kiểm tra cấp bảo vệ IK là có thể dùng kiểu búa con lắc hoặc kiểu búa rơi tự do thẳng đứng, trường hợp nếu kiểm tra bằng búa rơi tự do thì điểm búa tác động của tất cả các lần kiểm tra phải rơi trùng một vị trí. Điểm va đập của búa khi kiểm tra nắp cửa cột đèn chiếu sáng được chỉ rõ như trong Hình 4Hình 5.

Sau khi kiểm tra va đập:

1) Nắp cửa cột vẫn khóa được đóng mở được như bình thường.

2) Cửa cột vẫn đảm bảo được cấp bảo vệ chống lọt bụi nước.

3) Không có bất kỳ một dấu vết nứt gãy vỡ nào trên nắp cửa.

Kiểm tra IK nắp cửa cột vị trí đứng

Hình 4 - Vị trí thẳng đứng để kiểm tra cấp bảo vệ IK của tấm cửa cột

 
Kiểm tra IK nắp cửa cột vị trí ngang

Hình 5 - Vị trí nằm ngang để kiểm tra cấp bảo vệ IK của tấm cửa cột

4.4.6 Đầu đấu tiếp địa

Cột đèn chiếu sáng phải có đấu đấu tiếp địa chờ sẵn trên thân cột hoặc trên bảng điện để đấu nối với dây tiếp địa. Đầu đấu tiếp địa này phải tuân thủ các yêu cầu sau:

a) đầu đấu tiếp địa bằng vật liệu không bị ăn mòn, không bị gỉ sét;

b) đầu đấu tiếp địa phải có bề mặt tiếp xúc đáng kể để lắp đặt dây tiếp địa;

c) đầu đấu tiếp địa phải được đặt ở vị trí dễ nhìn dễ tiếp cận.

Ngoại trừ tấm nắp cửa cột, còn lại tất cả các chi tiết bộ phận bằng kim loại của cột đèn và cần đèn (nếu có) đều phải được đảm bảo một cách tin cậy là có kết nối dẫn điện tốt với dây tiếp địa.

Yêu cầu dẫn điện với dây tiếp địa là không áp dụng với cốt thép của cột đèn chiếu sáng làm bằng vật liệu bê tông cốt thép.

Đầu đấu tiếp địa phải được thiết kế sao cho để mối đấu nối với dây tiếp địa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật tiếp địa, mối đấu luôn tiếp xúc chắc chắn.

Nếu đầu đấu tiếp địa được thiết kế theo kiểu bu lông tiếp địa thì kích thước của bu lông này không được nhỏ hơn M8.

Bộ phận kẹp dây tiếp địa của đầu đấu tiếp địa phải được thiết kế sao cho không làm hư hỏng dây tiếp địa trong quá trình. Đầu đấu tiếp địa nằm trên thân cột hoặc trên bảng điện cửa cột đều phải được đánh dấu ký hiệu nối đất (⏚), yêu cầu ký hiệu đánh dấu phải rõ ràng và có độ bền lâu.

4.5 Độ sâu chôn đất và tấm đế chống lún

4.5.1 Độ sâu chôn cột đèn

Đối với kiểu cột đèn chiếu sáng được thiết kế theo kiểu chôn trực tiếp vào trong lòng đất, kể cả có hay không có bê tông bao quanh thì độ sâu chôn đất sẽ là khoảng cách e được nêu trong Hình 6, kích thước độ sâu chôn đất (e) nên chọn theo các giá trị đã ghi trong Bảng 7, các giá trị đó đã được tính toán thiết kế trước và đã được kiểm tra thử nghiệm.

Đối với kiểu cột đèn chiếu sáng được thiết kế theo kiểu chôn trực tiếp vào trong lòng móng kết cấu, khi đó độ sâu chôn đất (e) có thể lấy nhỏ hơn so với chỉ dẫn trong Bảng 7 nhưng phải được kiểm tra lại bằng tính toán hoặc thử nghiệm.

4.5.2 Tấm đế chống lún

Nếu yêu cầu phải có tấm đế chống lún, thì kích thước tấm đế chống lún sẽ là 300x300 mm hoặc 400 x 400 mm với chiều dày tối thiểu là 4 mm (xem Hình 6).

độ sâu chôn đất

Hình 6 - Độ sâu chôn đất và tấm đế chống lún

Bảng 7 - Độ sâu chôn đất
Chiều cao danh nghĩaĐộ sâu chôn đất tối thiểu
H (mm)e (mm)
5 600 800 1000
6 800 1000 1200
7 đến 8 1000 1200 1500
9 đến 10 1200 1500 1700
12 1500 1700 2000
14 1500 2000 2500
15 1500 2000 2500
16 1500 2000 2500
18 1500 2000 2500
20 1800 2000 2500

4.6 Tấm bích đế cột đèn

Thiết kế của tấm bích đế cột đèn và bu lông móng cột phải được kiểm tra bằng tính toán hoặc kiểm tra thử nghiệm.

Hình dạng của tấm bích đế cột đèn là như trong Hình 7. Đối với tấm bích đế hình vuông kiểu 04 lỗ lắp bu lông móng cột, thì tọa độ lỗ bulong móng nên chọn theo Bảng 8.

Lỗ lắp bu lông móng trên tấm bích đế cột đèn có thể là hình tròn đường kính d hoặc hình rãnh hạt đậu có chiều rộng d. Kích thước tối thiểu giữa mép của lỗ lắp bu lông móng và mép cạnh viền tấm bích đế cột phải là d.

Nếu lỗ lắp bu lông móng của tấm bích đế cột đèn được thiết kế theo kiểu hình rãnh hạt đậu thì tâm quay rãnh là tâm cột đèn và góc quay rãnh tối đa cho phép là ±5°.

Giữa đai ốc bu lông móng và tấm đế cột đèn phải lắp vòng đệm bu lông móng. Vòng đệm bu lông móng phải phù hợp theo tiêu chuẩn EN ISO 7093. Có thể sử dụng vòng đệm bu lông móng theo tiêu chuẩn EN ISO 7091 hoặc vòng đệm hình vuông để thay thế và khi đó cần phải được kiểm tra bằng tính toán hoặc kiểm tra bằng thử nghiệm.

GHI CHÚ Tiêu chuẩn này không quy định hình dạng bên ngoài của tấm bích đế cột đèn.

Chi tiết tấm bích đế

Hình 7 - Chi tiết tấm bích đế

Bảng 8 - Kích thước tọa độ tâm lỗ bắt bu lông móng
a1a2 (mm)
200
215
250
285
300
325
400
450
500
550

4.7 Kích thước khớp lắp đèn

4.7.1 Tổng quát

Khớp lắp đèn có thể là kiểu ống tròn như trong Hình 8 và Hình 9, nhưng cũng có thể kiểu khác ví dụ như lắp bằng bu lông hay bộ kẹp.

Nếu khớp lắp đèn có cấu trúc như Hình 8 và Hình 9 thì chúng phải phù hợp với 4.7.24.7.3

4.7.2 Cột đèn không có cần đèn

Khớp lắp đèn phải phù hợp với Hình 8.

Kích thước khớp lắp đèn nên chọn theo Bảng 9.

4.7.3 Cột đèn gắn kèm cần đèn

Khớp lắp đèn phải phù hợp với Hình 9.

Kích thước khớp lắp đèn nên chọn theo Bảng 10.

Khớp đầu cột

Hình 8 - Khớp lắp đèn của cột đèn không có cần đèn

Bảng 9 - Kích thước khớp lắp đèn của cột đèn không có cần đèn
d1 (mm) l1 (mm)
60 70
62 70
76 130
78 130
89 130
102 250
108 250
 
Khớp đầu cần

Hình 9 - Khớp lắp đèn của cột đèn gắn kèm cần đèn

Bảng 10 - Kích thước khớp lắp đèn của cột đèn gắn kèm cần đèn
d2 (mm) l (mm)
42 100
42 250
42 400
60 100
60 250
60 400
62 100
62 250
62 400

5 Dung sai

5.1 Độ thẳng thân cột

Độ thẳng thân cột là được đo khi cột ở trạng thái không tải (cột nằm ngang). Độ thẳng thân cột cho phép được xác định theo công thức sau đây và Hình 10.

x < 0,003l; với l = h + e

Δx ≤ 0,003 Δl; với Δl ≥ 1m

Trong đó:

x là: độ lệch lớn nhất theo tổng chiều dài l của cột đèn;

Δx là: độ lệch lớn nhất theo một đoạn chiều dài Δl của cột đèn.

Đột thẳng thân cột

Hình 10 - Độ thẳng thân cột

5.2 Tổng chiều dài của cột đèn không có cần đèn.

Cột đèn có thể được thiết kế gồm nhiều đoạn lắp ghép với nhau. Dung sai chiều dài của mỗi đoạn sẽ là:

a) Cột đèn có chiều cao danh nghĩa dưới 10 m thì dung sai chiều dài là: ±25 mm;

b) Cột đèn có chiều cao danh nghĩa trên 10 m thì dung sai chiều dài là: ±0,6%.

Tổng chiều dài là:

1) Kiểu cột đèn có tấm bích đế thì tổng chiều dài là bằng h;

2) Kiểu cột đèn chôn trực tiếp thì tổng chiều dài là bằng h + e.

5.3 Tổng chiểu chiều dài của cột đèn gắn kèm cần đèn

Dung sai tổng chiều dài của cột đèn gắn kèm cần đèn sẽ là:

a) Cột đèn có chiều cao danh nghĩa dưới 10 m thì dung sai chiều dài là: ±1%;

b) Cột đèn có chiều cao danh nghĩa dưới 10 m thì dung sai chiều dài là: ±1.2%;

Tổng chiều dài là:

1) Kiểu cột đèn có tấm bích đế thì tổng chiều dài là bằng h;

2) Kiểu cột đèn chôn trực tiếp thì tổng chiều dài là bằng h + e.

5.4 Độ vươn cần đèn

Dung sai độ vươn cần đèn là ±2%.

5.5 Góc nghiêng cần đèn

Dung sai góc nghiêng cần đèn khi chưa lắp đèn cho phép là ±2°. Độ nghiêng lệch của tâm trục đứng cần đèn so với tâm trục đứng cột đèn là không được vượt quá ±2°.

5.6 Cửa cột và lỗ luồn cáp

Dung sai kích thước cửa cột đèn và lỗ luồn cáp phải là:

+ 10 mm

- 0 mm

5.7 Mặt cắt ngang thân cột

5.7.1 Cột đèn bằng kim loại

5.7.1.1 Dung sai thân cột tính theo chu vi phải là ±1%.

5.7.1.2 Nếu mặt cắt ngang thân cột là hình tròn thì độ méo hình tròn đó tính theo đường kính phải là ±3% (bỏ qua mối hàn sườn của thân cột).

5.7.1.3 Nếu mặt cắt ngang thân cột là hình đa giác thì độ méo hình đa giác đó tính theo kích thước cạnh đối cạnh phải là ±4%.

5.7.2 Cột đèn bằng bê tông

5.7.2.1 Dung sai thân cột tính theo chu vi phải là ±2%.

5.7.2.2 Dung sai hình dạng mặt cắt ngang thân cột phải là ±5% kích thước danh nghĩa hoặc là ±10mm tùy theo giá trị nào nhỏ hơn.

5.8 Kích thước khớp lắp đèn

5.8.1 Dung sai chiều dài khớp lắp đèn l và l1 là ±2mm
5.8.2 Dung sai đường kính khớp lắp đèn d1 và d2 là:

- Lấy theo Bảng 2 trong EN 10210-2:1997, hoặc lấy theo Bảng 2 trong EN 10219-2:1997 nếu khớp lắp đèn được chế tạo bằng thép ống, hoặc;

- Lấy theo Bảng 1 trong EN 755-8:1998 nếu khớp lắp đèn được chế tạo tbằng ống nhôm, hoặc;

- ± 2% nếu khớp lắp đèn là một phần không thể thiếu của cột chiếu sáng và nó được hình thành trong quá trình sản xuất từ cột chiếu sáng hoặc sản xuất cần đèn.

Trước khi lắp dựng, người lắp đặt bộ đèn phải kiểm tra để đảm bảo rằng bộ đèn có thể lắp vừa với khớp lắp bộ đèn trên cột đèn hoặc trên cần đèn.

5.9 Độ xoắn cột đèn chiếu sáng

5.9.1 Độ xoắn của kiểu cột đèn chôn trực tiếp

Đối với kiểu cột đèn chiếu sáng có lắp cùng với cần đèn mà được thiết kế theo kiểu chôn trực tiếp thì yêu cầu góc giữa mặt phẳng độ vươn cần đèn và mặt phẳng vuông góc với hướng mở cửa cột là không được vượt quá 5°.

5.9.2 Độ xoắn của kiểu cột đèn có tấm bích đế cột

Kết cấu lắp ghép giữa thân cột với cần đèn và kết cấu của tấm bích đế cột cần phải đảm bảo sao cho khi lắp đặt thì có thể điều chỉnh được mặt phẳng độ vươn cần đèn trong phạm vi ±5% so với hướng thiết kế lắp đặt mà có liên quan đến tấm bích đế cột.

5.10Dung sai chiều dày cột đèn

Nếu cột đèn chiếu sáng được chế tạo từ các vật liệu mà trong quá trình sản xuất có làm thay đổi chiều dày của vật liệu đó (chẳng hạn như cột đèn được tạo hình bằng cách ép miết từ ống nhôm đùn) thì dung sai chiều dày chế tạo cần phải được công bố. Đối với các vật liệu khác được sử dụng để chế tạo cột đèn chiếu sáng mà không bị thay đổi về chiều dày hoặc tiết diện, thì dung sai lấy theo EN 10051 và các tiêu chuẩn liên quan của từng loại vật liệu đó sẽ được áp dụng.

5.11 Dung sai độ thẳng đứng cột đèn

Đối với kiểu cột đèn chiếu sáng được thiết kế theo kiểu cột có tấm bích đế thì yêu cầu góc giữa đường tâm thân cột và đường trục vuông góc với mặt phẳng lắp đặt của tấm bích đế là không được vượt quá 1°.


Ghi chú bản dịch tiếng Việt

Tiêu chuẩn Châu Âu EN 40 về "Cột đèn chiếu sáng" đã được phê duyệt bởi Ủy ban tiêu chuẩn hóa Châu Âu (CEN) và đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước thuộc khối EU và tại Vương quốc Anh. Tiêu chuẩn BS EN 40-2:2004 là một phần nội dung của bộ tiêu chuẩn EN 40.

Tại Việt Nam, phần lớn các công trình chiếu sáng công cộng trên toàn quốc đều sử dụng nhiều cột đèn chiếu sáng, tuy nhiên cho đến nay thì nước ta vẫn chưa ban hành bộ tiêu chuẩn riêng về cột đèn chiếu sáng. Bởi vậy, nhóm kỹ sư chuyên thiết kế cột đèn đường của Litec® tạm dịch tài liệu BS EN 40-2:2004 ra tiếng Việt, với mong muốn trước mắt là góp phần để nhiều người Việt dễ tiếp cận tài liệu này hơn, kỳ vọng hơn nữa là góp phần để các nhà tư vấn thiết kế, các chủ đầu tư và các nhà sản xuất cột đèn chiếu sáng ở trong nước dễ đạt được sự thống nhất về yêu cầu kỹ thuật chung của sản phẩm cột đèn chiếu sáng.

Nội dung bản dịch này là được dịch từ bản copy "BS EN 40-2:2004 English version". Các hình vẽ trong bản copy có nhiều chỗ bị nhòe mờ nên được vẽ minh họa lại để cho dễ xem hơn chứ không nhằm mục đích thay thế hình vẽ của tài liệu gốc. Mặc dù đã cố gắng để bản dịch đạt được chất lượng tốt nhất có thể, tuy nhiên sẽ không tránh khỏi thiếu sót, rất mong mọi người góp ý để bản dịch được hoàn thiện hơn. Xin trân trọng cảm ơn!


Xem thêm:

BRITISH STANDARD BS EN 40-1:1992 | Cột đèn chiếu sáng - Phần 1: Định nghĩa và thuật ngữ


Relevant Links: link1 link2